select
089.6886.989
Tel:
Dịch vụ vé MB: 0243.795 5577
Tel:
089.6886.989

VTTC Tổ chức thành công chuyến đi thực tế tại Tây Nguyên cho lớp chính trị học K32B Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội

Lượt xem: 2844
Ngày: 07/05/2015

Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại - VINACOMIN (VTTC) thực hiện tốt công tác tổ chức dịch vụ, phục vụ đoàn công tác nghiên cứu, học tập thực tế của lớp chính trị học K32b Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội tại Tây Nguyên.

Thực hiện theo kế hoạch học tập của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 84 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2015) lớp chính trị học K32B bắt đầu chuyến đi thực tế lần thứ 2 tại vùng đất Tây Nguyên giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nhưng cũng không ít những "điểm nóng chính trị".

Hơn thế nữa, Buôn Mê Thuột – còn là thủ phủ của Tây Nguyên có ý nghĩa to lớn trong việc bổ sung kiến thức về chính trị và thực tế phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại khu vực Tây Nguyên. Nhằm tìm hiểu về đời sống, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc cao nguyên như Ê Đê, M'Nông, Gia Rai, v.v… nơi sản sinh ra những trường ca Đam San, Xinh Nhã... Buôn Mê Thuột còn là quê hương của những cây đàn đá, đàn T'rưng, đàn Krôngput độc đáo, các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng; với những lễ hội: cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các bản trường ca Tây Nguyên những bộ sử thi, những áng thơ ca bất hủ... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đắk Lắk. 

Buôn Mê Thuột cùng với cái nắng cái gió, những rẫy cà phê xanh bạt ngàn, ché rượu cần ngất ngây hay không gian cồng chiêng đượm màu huyền thoại khiến nơi đây luôn là điểm đến độc đáo bậc nhất Tây Nguyên.

Sau khi có sự đánh giá, tham khảo các đơn vị làm công tác du lịch, VTTC đã được Ban cán sự và tập thể lớp K32B lựa chọn là đơn vị làm cung cấp dịch vụ, tổ chức chương trình học tập thực tế tại Tây Nguyên từ 26/3/3015-29/3/2015. Thành phần đoàn đi thực tế bao gồm các giảng viên của Học viện và gần 80 học viên của lớp,  đây là các cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ dự nguồn thuộc nhiều lĩnh vực, ban ngành thuộc Đảng bộ khối công nghiệp Hà Nội. 


H1. Công tác tổ chức đón đoàn từ sân bay Buôn Ma Thuột của VTTC


Sau khi tổ chức đón đoàn tại sân bay Buôn Mê Thuột, VTTC đưa đoàn về trung tâm thành phố dùng bữa trưa tại nhà hàng khách sạn Dakruco một trong những khách sạn cao cấp tại thành phố Buôn Mê Thuột, đoàn tiếp tục hành trình về thị trấn Gia Nghĩa để tham quan khảo sát Dự án nhà máy Alumin Nhân Cơ VINACOMIN vào ngày hôm sau. Trên đường đoàn ghé thăm thác Draysap cách Buôn Mê Thuột khoảng 30km. Thác nằm trong cụm thác Gia Long, Draysap, Draynu, Trinh nữ.

Ở miền đất Tây nguyên, hầu như chỗ nào cũng gắn với một sự tích, một huyền thoại, hoặc một chuyện tình buồn. Có cô gái người Ê đê tên là H’mi rất xinh đẹp nổi tiếng một vùng. Một hôm, hai người đang tình tự trong rừng thì bỗng nhiên có một con quái vật đầu to, mắt đỏ lừ, từ miệng tung ra những cột nước cuốn nàng H’mi đi mất.

Chàng trai đi tìm nàng mãi, nhưng không thấy. Chàng đau khổ, về sau chết hóa thành một cây cổ thụ đứng bên cạnh tảng đá to.

Còn chỗ thác nước đang gầm réo vốn là chỗ biến mất của con quái vật chính là thác Draysap. Lại nói về nàng H’mi, không khuất phục quái vật, nàng tự tử chết, hóa thành thác Draynu.

Hai thác được mệnh danh là thác chồng, thác vợ suốt ngày suốt đêm gầm réo gọi tên nhau. Draysap và Draynu đều bắt nguồn từ sông Sêrêpok, tung bọt trắng xóa, với độ cao trên 100m, hơi nước bốc lên nghi ngút như khói.

Bao quanh các thác có những thảm thực vật phong phú, làm không khí trong làn mát rượi. Bên trên núi có trồng cây hồ tiêu, cây bông, đặc biệt ở đây có rất nhiều loại bướm.


Đường dẫn từ thác Draysap đến thác Draynu đi qua một cây cầu treo khá đẹp. Từ trên nhìn xuống Draysap dũng mãnh chảy cuồn cuộn, bọt khói dâng tràn như hình tượng của một Tây Nguyên mạnh mẽ.

Xung quanh có nhiều nhà dân tộc, khách có thể ngồi ở đó thưởng thức món cơm lam, gà nướng, cá lăng nấu lá giang chua, và các đồ rừng cùng ché rượu cần đậm đà.

Rời khỏi thác Draysap hùng vĩ, bên đường vàng rực những cây hoa bọ cạp, những cánh rừng cao su xanh mướt, những cây hồ tiêu và cây café thẳng tắp làm cho con đường Tây Nguyên xanh thêm như lời của một bài hát đã xua đi mọi mệt mỏi mà đoàn đã trải qua suốt một hành trình dài từ mọi nơi tập trung tại Hà Nội rồi qua hơn 3 tiếng làm thủ tục tại 2 đầu sân bay với 2 giờ ngồi máy bay và tiếp tục hơn 2 giờ ngồi ô tô đến thị trấn Gia Nghĩa- Đắk Nông.

         

H.2 và H.3: Hình ảnh Đoàn làm việc với Ban lãnh đạo Nhà máy Alumin Nhân Cơ


Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bauxite với công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Việc khai thác bauxite tại Đắk Nông được chính phủ Việt Nam giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng nhà máy khai thác là công ty Chalieco, Trung Quốc thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế - mua thiết bị - xây dựng - đào tạo (EPC). Đoàn được Ban lãnh đạo Nhà máy Alumin Nhân Cơ tiếp đón, giới thiệu về mô hình, sơ đồ tổng thể của dự án cùng với những khó khăn vất vả nhằm đẩy mạnh tiến độ dự án của toàn thể cán bộ công nhân viên Nhân Cơ VINACOMIN trong những năm qua.


H4. Hình ảnh tập thể lớp Chính trị học K32B tại khai trường Nhà máy Alumin Nhân Cơ –VINACOMIN


Đến nay dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ hiện đã hoàn thành khoảng trên 90% khối lượng công việc và đang gấp rút hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Đối với nguyên liệu bauxit, hiện  đã thu hồi được trên 1,5 triệu tấn quặng bauxit nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử và một phần chạy sản xuất của nhà máy tuyển và Nhà máy alumin của dự án.

          

H.5 và H.6:  Đoàn đi khảo sát thực tế tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ VINACOMIN



H.7 Đoàn tiếp tục tham quan thực tế tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ VINACOMIN


Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ V INACOMIN đã và đang thực hiện đúng các cam kết với địa phương, như đào tạo nghề và tuyển dụng trực tiếp trên 1.200 công nhân công nghiệp (lao động địa phương), tạo việc làm ổn định cho khoảng 12.000 lao động liên quan, nâng cao đời sống người dân khu vực dự án, đóng góp đáng kể cho GDP của tỉnh. Tổng số lao động cần tuyển dụng của dự án khoảng 1.400 người. 

Đây cũng là chuyến đi thực tế của toàn thể lớp Chính trị học K32B nhằm vận dụng những cơ sở khoa học, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn phát triển kinh tế xã hội ở từng vị trí công tác của các học viên, ở các địa phương, ban ngành. 

            


H.8 và H.9: Đoàn tham gia lễ hội văn hóa cồng chiêng tại Buôn Ma Thuột. 


Nghĩ về Tây Nguyên là nghĩ tới rừng đại ngàn, là những con thác đổ ầm ầm trắng xóa, những đàn voi rừng hoang dã và người dân tộc có nước da đen với mái tóc xoăn tít và ánh mắt của núi rừng nhưng rất than thiện và gần gũi với du khách. Đến với Tây Nguyên chúng ta có cơ hội tận hưởng cảnh quan thiên nhiên hung vĩ của núi rừng với bạt ngàn rãy cà phê, quý khách có cơ hội tận hưởng những ly cà phê với hương vị thơm ngon số 1 Việt Nam đã tạo lên thương hiệu làng Cà phê Trung Nguyên trong không gian đó để lại dấu ấn kỷ niệm khó quên trong ký ức mỗi quý khách.

Trong rất nhiều điểm di tích văn hoá, lịch sử gắn liền với sự phát triển của Buôn Mê Thuột, đoàn còn được tham gia giao lưu văn hoá lễ hội cồng chiêng mang đậm bản sắc các dân tộc tại Tây Nguyên. Cồng chiêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Con người từ khi sinh ra đã nghe tiếng chiêng trong lễ đặt tên, lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh; đến khi lìa đời về với thế giới của các vị thần linh, tiếng chiêng ngân dài tiễn biệt trong lễ bỏ mả, lễ mừng cơm mới, lễ đâm trâu… Thông qua tiếng chiêng, các tộc người Tây Nguyên như gửi gắm tâm hồn mình, ước nguyện của mình với các đấng thần linh, tiếng chiêng thực sự đã gắn với đời sống của dân tộc, gắn với tâm linh của mỗi người. Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

Từ ý nghĩa của Văn hoá lễ hội Cồng Chiêng trên mà VTTC đã cùng các nghệ sỹ bản địa dàn dựng kịch bản giao lưu đầy ý nghĩ cho đoàn nhằm xây dựng tình đoàn kết qua các tiết mục giao lưu và teambuilding để tất cả các thành viên trong đoàn hiểu nhau hơn. Các thành viên trong đoàn được hoà mình vào những tiếng nhạc điệu của các già làng, các cô gái Ê Đê bên bình rượu cần dưới ánh lửa bập bùng của đêm Tây Nguyên đầy ý nghĩa.

           

H.10 Bảo tàng văn hóa các dân tộc Tây nguyên


Đoàn tham quan Bảo tang văn hoá các dân tộc Tây Nguyên được trưng bày rất nhiều hiện vật có giá trị về văn hoá của hơn 44 dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét mà đoàn đã được chính các nghệ sỹ bản địa thể hiện trong buổi giao lưu.

           



H11- H.12 Công tác hậu cần, giao lưu phục vụ đoàn tại nhà máy Alumin Nhân cơ


Với sự nỗ lực, chu đáo và chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ, tổ chức chương trình  của VTTC, chuyến đi nghiên cứu thực tế tại Tây Nguyên đã kết thúc tốt đẹp đúng như mong đợi của tập thể lớp và các thành viên trong đoàn. Dư âm của chuyến đi còn in đậm trong mỗi thành viên đoàn. Qua chuyến đi này ban cán sự lớp và các thành viên đoàn đánh giá rất cao sự chuyên nghiệp, nghiệp vụ tổ chức và cung cấp dịch vụ của VTTC trong suốt hành trình.

Ban cán sự lớp gửi lời cám ơn tới lãnh đạo VTTC, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất cho lớp được tổ chức một chuyến đi học tập thực tế rất thành công và mang đầy ý nghĩa này.

(Tin nguồn: PHÒNG DỊCH VỤ DU LỊCH VTTC)